Bạn cần tư vấn? call 1900 8248

Tết nên đi chùa nào? 8 ngôi chùa đẹp và linh thiêng khắp Việt Nam

company

Một trong những hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết là đi chùa cầu an. Việc đi chùa đầu năm không chỉ thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người Việt mà còn là dịp để con người tìm về với sự thanh tịnh, bình an trong tâm hồn. Vậy, Tết nên đi chùa nào? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trong bài viết này, hãy cùng Flycorp tìm hiểu về một số ngôi chùa linh thiêng từ Bắc vào Nam nhé.

1. Chùa Yên Tử (Quảng Ninh)

Địa chỉ: Thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, tỉnh Quảng Ninh

Chùa Yên Tử chính là địa điểm mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã chọn để tu hành sau khi truyền ngôi. Đây cũng là nơi khai sinh ra Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - một ngôi chùa rất nổi tiếng tại nước ta.

Chùa Yên Tử có không gian mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho du khách ghé thăm bất kỳ lúc nào. Kiến trúc của chùa được xây dựng khá độc đáo với cổng tam quan hai tầng tám mái uy nghiêm. Mái chùa được làm từ tấm ngói vảy uốn cong hình đầu đao, phần cột được sử dụng gỗ lim cứng cáp kết hợp với các phiến đá lớn, tạo nên sự vững chãi, uy nghiêm.

Bên trong chùa, không gian rất mát mẻ và được trang trí tinh tế với nhiều chi tiết sơn son thếp vàng. Các bức tượng Phật, án thờ, bức khảm, cửa,... đều được chế tác tinh xảo, mang đến một không gian sống động và trang nghiêm, làm cho du khách phải ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên.

Ngôi chùa Yên Tử linh thiêng, có không gian mát mẻ quanh năm

 

2. Chùa Hương (Hà Nội)

Địa chỉ: Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Chùa Hương là một điểm đất thiêng với khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời và kiến trúc đền chùa độc đáo. Nằm trong "đất đỏ" Hương Sơn, chùa Hương không chỉ là một ngôi đền độc lập mà còn là một phần của một quần thể văn hóa lớn với nhiều chùa và đền đình khác nhau. Quần thể chùa Hương gồm hai ngôi chùa chính: Chùa Ngoài và chùa Trong.

Chùa Ngoài còn có một tháp chuông ba tầng ấn tượng, với hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất, là minh chứng cho lối kiến trúc cổ xưa. Trái ngược với chùa Ngoài, chùa Trong lại mọc lên từ một hang động tự nhiên. Nơi đây gây ấn tượng với dòng chữ “Hương Tích động môn” ngay lối vào và lối đi đá dẫn lên động với 120 bậc thang.

Chùa Hương không chỉ cuốn hút bởi giá trị tâm linh, mà còn bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Khi đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng dòng suối Yến trong vắt, cảnh quan xanh tươi quanh năm.

Quần thể chùa Hương với lối kiến trúc độc đáo

 

3. Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Địa chỉ: Làng Cổ Mễ, phường Ninh Vũ, Bắc Ninh

Đền Bà Chúa Kho là điểm đến tâm linh được rất nhiều Việt lựa chọn chiêm bái. Ngôi đền thu hút đông đảo du khách đến để cầu nguyện, dâng hương và tổ chức lễ nghi. Đối với nhiều người, đây không chỉ là nơi cầu mong may mắn và thịnh vượng trong công việc, mà còn nổi tiếng với phong tục xin "vay vốn âm" từ Bà Chúa Kho - một truyền thống được cho là mang lại tài lộc và thuận lợi trong kinh doanh.

Ngoài ra, đền Bà Chúa Kho còn ghi dấu ấn với kiến trúc cổ kính, đặc sắc của thời nhà Lý. Đặc biệt, đền còn là một phần của quần thể di tích Cô Mễ, bao gồm: Đình, Chùa và Đền. Khi bước vào đền, bạn sẽ ấn tượng với cấu trúc tổ chức không gian từ cổng tam quan đến hậu cung và các khuôn viên bên trong. Mỗi ngóc ngách trong đền đều rất rộng lớn và khang trang, tạo nên một vẻ đẹp trang nghiêm nhưng cũng không kém phần ấn tượng.

Đền Bà Chúa Kho được rất nhiều người đến để cầu nguyện

 

4. Chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Địa chỉ: Thôn Phật Tích, xã Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Chùa Phật Tích là một di sản văn hóa huyền thoại từ thời Lý, được xây dựng vào năm 1057. Ngôi chùa này không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là biểu tượng niềm tin sâu sắc của người dân. Ban đầu, chùa gồm nhiều công trình liên kết với nhau và sau đó được Vua Lý Thánh Tông tôn tạo thêm vào năm 1066 bằng việc xây dựng tháp Linh Quang.

Kiến trúc độc đáo của chùa Phật Tích theo phong cách "Nội công ngoại quốc" bao gồm ba tầng nền chồng lên nhau. Tầng đầu tiên là nơi gắn liền với truyền thuyết "Từ Thức gặp tiên" và khu vườn hoa mẫu đơn rực rỡ. Tầng thứ hai, dù đã mờ nhạt theo thời gian, vẫn lưu giữ dấu ấn của những công trình cổ xưa. Tầng cao nhất là Long Trì, một hồ nước hình chữ nhật đã cạn.

Nổi bật trong số các tác phẩm nghệ thuật tại chùa là bức tượng Phật A Di Đà làm từ đá xanh cao 1,87m. Bên cạnh đó, bức tượng người chim đánh trống biểu tượng cho sự thoát ly và khao khát vươn tới ước mơ. Trước cổng chùa là hàng thú đá gồm 10 con như trâu, tê giác, voi, ngựa, mỗi con đều là kiệt tác của nghệ nhân thời Lý.

Chùa hiện nay có 7 gian tiền đường chào đón khách thập phương, 5 gian thờ Phật và A Di Đà cùng các vị Phật của tam thế, 7 gian thờ Mẫu và 8 gian nhà Tổ. Con đường dẫn lên chùa với ba bậc nền ghép vào sườn núi, tường đá dài 58m, cao từ 3–5m và lối đi rộng 5m với 80 bậc thang, tất cả tạo nên một không gian huyền bí và tráng lệ.

Bức tượng Phật A Di Đà hùng vĩ tại chùa Phật Tích

 

5. Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự (Hà Nam)

Địa chỉ: Ninh Trung, Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam

Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự còn được biết đến với cái tên Phi Lai Địa Tạng hoặc tên gọi dân gian là chùa Đùng. Đây là một di sản văn hóa và tâm linh đã tồn tại hơn 1000 năm, nằm giữa hai hình ảnh tượng trưng Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ. Ngôi chùa sở hữu những hiện vật cổ giá trị, là minh chứng sống động cho lịch sử Phật giáo ở Việt Nam.

Khi đặt chân đến đây, du khách sẽ bị ấn tượng bởi sân sỏi trắng trải dài mênh mông, khác biệt hoàn toàn với kiểu sân gạch đỏ thường thấy. Không gian của chùa rộng rãi, khang trang, kết hợp với vẻ đẹp của núi non và hồ sen tạo nên sự hài hòa độc đáo. Trong khuôn viên chùa, có 12 vòng tròn trên sân sỏi, tượng trưng cho 12 nhân duyên, cùng tấm biển “Khổ hải” với thông điệp nhắc nhở mọi người về sự tỉnh thức và lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống.

Ngoài ra, chùa còn có khu vườn xanh mát với cây trái, thảo dược, rau rừng được trồng và chăm sóc bởi các sư thầy cùng người dân. Phía dưới chân núi còn có một khu vực trồng nấm rộng 20m², cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho các bữa ăn chay tại chùa, như lẩu chay hay ruốc chay.

Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự có lịch sử gần 1000 năm

 

6. Chùa Trấn Quốc (Hà Nội)

Địa chỉ: Số 46, đường Thanh Niên, Tây Hồ, Hà Nội

Chùa Trấn Quốc, tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ nằm ở phía Đông Hồ Tây, là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Việt Nam, được xây dựng từ năm 541 dưới triều Tiền Lý. Ngôi chùa này đã trải qua nhiều lần tu sửa, đáng chú ý nhất là vào năm 1815 khi khuôn viên được mở rộng lên đến 3000m².

Chùa được thiết kế theo phong cách kiến trúc Phật giáo Bắc tông, bao gồm ba khu vực chính: Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện. Điểm đặc biệt là hai dãy hành lang bên cạnh nhà thiêu hương và Thượng điện tạo nên một không gian mở, thoáng đãng. Phía sau Thượng điện là gác chuông với kiến trúc ba gian, mái chồng diêm độc đáo.

Ngoài ra, khu vực nhà tổ và nhà bia cũng lưu giữ những bảo vật văn hóa quý giá. Nổi bật nhất tại đây là pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, một kiệt tác điêu khắc bằng gỗ sơn son thếp vàng mang đậm nét nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.

Chùa Trấn Quốc là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý giá

 

7. Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng)

Địa chỉ: Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng

Chùa Linh Ứng là một điểm đến tâm linh nổi bật ở Đà Nẵng, được khởi công xây dựng vào ngày 19/6/2004 (Âm lịch) và hoàn thành vào ngày 30/7/2010. Công trình được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Thích Thiện Nguyên và sự đóng góp của cộng đồng Phật tử.

Nét nổi bật nhất của chùa chính là tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam, với chiều cao lên đến 67m và tọa sen rộng 35m. Bên trong bức tượng, có cầu thang dẫn lên đỉnh, nơi chứa 17 tầng, mỗi tầng là 21 bức tượng Phật khác nhau, thể hiện ý nghĩa “Phật trung hữu Phật”.

Toàn bộ khuôn viên chùa rộng 20ha, gồm nhiều công trình như chánh điện, nhà tổ, tăng đường. Những mái ngói rồng uốn lượn cùng cột trụ vững chắc, kết hợp với không gian xanh mát và khung cảnh thiên nhiên hữu tình đã tạo nên vẻ đẹp hài hòa, vừa trang nghiêm vừa yên bình.

Tượng Phật Quan Thế Âm tại chùa Linh Ứng

 

8. Chùa Bà Thiên Hậu (TP. Hồ Chí Minh)

Địa chỉ: Số 710, đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP. Hồ Chí Minh

Chùa Bà Thiên Hậu, còn được gọi là Hội quán Tuệ Thành, là một địa điểm tâm linh nổi bật của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn. Không chỉ là nơi thờ cúng, ngôi chùa còn là biểu tượng văn hóa và tâm linh của người dân bản địa.

Kiến trúc của chùa mang đậm phong cách Trung Hoa truyền thống, với bố cục gồm bốn ngôi nhà liền kề, tạo thành hình chữ “Khẩu” hoặc “Quốc”. Trung tâm là ba dãy nhà: Tiền điện, Trung điện và Hậu điện. Khoảng trống giữa các dãy nhà được gọi là “thiên tỉnh”, giúp không gian thoáng đãng và lấy sáng tự nhiên.

Các chi tiết trang trí như hoa văn, hình tượng tứ linh và tranh đắp nổi được thực hiện tinh xảo, thể hiện kỹ thuật điêu khắc đặc sắc. Gian chính của chùa là nơi thờ Bà Thiên Hậu cùng các vị thần như Kim Hoa Nương Nương, Long Mẫu Nương Nương, Quan Thánh, Địa Tạng và Thần Tài.

Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa truyền thống

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Tết nên đi chùa nào?”. Đừng quên dành thời gian cùng gia đình ghé thăm những ngôi chùa linh thiêng này để cầu chúc cho một năm mới an lành, thịnh vượng. Flycorp kính chúc bạn và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe và nhiều may mắn!

Booking Booking